Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội, giá hoa tươi tăng mạnh. Cụ thể, hoa ly vàng có giá 250.000 đồng/bó 10 bông (tăng 50.000 đồng/bó so với trước), hoa ly đỏ 85.000 đồng/10 bông (tăng từ 20.000 - 25.000 đồng/bó), hoa cúc mai cam 35.000 - 40.000 đồng/bó, hoa huệ 50.000 đồng bó/10 bông, hoa cúc Đà Lạt giá 7.000 đồng/bông, giá hoa hồng 4.000 - 6.000 đồng/bông, hoa mẫu đơn 8.000 đồng/bông. Cau tươi thắp hương có giá 8.000 - 10.000 đồng/quả.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân khiến giá hoa tăng là do nhu cầu của thị trường cao khi đang vào dịp Rằm tháng 7 Âm lịch, trong khi đó, thời tiết miền Bắc mưa nắng, khiến hoa tươi mất lứa. Một nguồn hoa tươi nữa đến từ Đà Lạt, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm 2021, nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ hoa liên tục nên "cạn" vốn, không thể xuống giống hoa nên sản lượng hoa cũng suy giảm ít nhiều.
Cùng với đó, giá hoa quả tươi cũng khá phong phú. Giá chuối từ 20.000 - 40.000 đồng/nải tùy loại (tăng 5.000 - 10.000 đồng/nải so với thời điểm cách đây 1 tuần), nhãn tươi có giá 25.000 đồng/kg; giá na dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, dưa vàng 30.000 đồng/kg, dưa lưới 50.000 đồng/kg' dưa hấu 11.000 - 12.000 đồng/kg, nho tươi 35.000 - 70.000 đồng/kg, thanh long 25.000 - 30.000 đồng/kg, táo từ 90.000 - 150.000 đồng/kg… tùy loại.
Cận Rằm tháng 7, giá hoa tươi tăng mạnh . Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Về giá cả sản phẩm vàng mã, khoảng 2 năm trở lại đây, do giá nguyên vật liệu nhập vào đắt đỏ nên giá các mặt hàng cũng sẽ tăng thêm từ 10-20% so với năm ngoái. Theo đó, ngựa giấy giá dao động từ 35.000 - 500.000 đồng/con, tùy kích cỡ. Các mặt hàng như quần áo, giày dép, mũ nón có giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/bộ.
Chị Mai Thị Thục - tiểu thương kinh doanh tại chợ Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội - chia sẻ, những năm trước thời điểm Covid-19, những ngày Rằm tháng 7, nhà tôi phải huy động vài người nhà ra bán cùng. Nhưng những năm gần đây, nhiều người dân có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã hơn vì vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường nên việc buôn bán khá chậm. Như Rằm tháng 7 năm nay, mấy ngày hôm trước sức mua khá chậm, nhưng trong sáng nay tôi bán khá đắt hàng, liên tục khách vào ra.
Cũng trong dịp này, thị trường thực phẩm chay phục vụ nhu cầu cúng lễ cũng nhộn nhịp. Cụ thể giá các loại thực phẩm chay tăng nhẹ: Nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm 60.000 - 100.000 đồng/kg; cơm cháy, cơm gạo lứt sấy 30.000 - 70.000 đồng/gói 150 - 200 gram, cá, tôm chay 100.000 - 300.000 đồng/kg….
Lẩu chay ngũ sắc 250.000 - 500.000 đồng/sản phẩm; gỏi mít, ngón sen: 120.000 - 150.000 đồng/sản phẩm, bún bò, phở, miến trộn, hủ xào... có giá phổ biến từ 35.000 - 75.000 đồng/sản phẩm...
Dịch vụ đồ cúng chay sôi động có giá từ 600.000 - 800.000 đồng với mâm cỗ chay gồm 5 - 7 món như gà chay hấp, nem, giò lụa, đậu chiên xù, nấm kho, nộm, rau xào, xôi vò hạt sen, canh; mâm cỗ chay 10 - 12 món có giá từ 900.000 - 1,2 triệu đồng....
Ngoài ra, giá các sản phẩm cúng đồ mặn không nhiều biến động: Bánh chưng 60.000 đồng/cái, xôi gấc 50.000 đồng/đĩa, cá diêu hồng tẩm bột chiên xù 160.000/500g, tôm sú tẩm bột chiên xù 234.000/6 con, nem rán 10.000 đồng/chiếc, chim bồ câu quay 120.000 đồng/con, chim bồ câu hầm 250.000 đồng/bát, nộm rau củ bò khô 50.000 đồng/đĩa... Tùy từng thực đơn, giá mâm cỗ mặn trọn gói có giá dao động từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/mâm.
Rằm tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam là ngày xá tội vong nhân, cũng là dịp lễ Vu lan báo hiếu, mọi người hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành. Thực ra, việc làm cỗ chay hay mặn không phải là quy định cứng, nó tùy thuộc vào niềm tin, phong tục và cả hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Trong việc hương khói, yếu tố quan trọng nhất không phải cỗ bàn có gì mà là sự thành tâm.